Tết Thanh minh – dịp để các thành viên trong gia đình tưởng nhớ những người đã mất

“Tết Thanh minh năm nào gia đình tôi cũng tụ tập đông đủ cùng nhau lên đây để thăm ông nhà tôi. Đây là dịp để cả gia đình sum họp và cùng nhau hướng về cha ông, tổ tiên của mình”, bà Nguyễn Thị Nhàn (82 tuổi, quận Hoàng Mai, Hà Nội) xúc động chia sẻ.

Sáng 11/4, rất đông người dân Hà Nội vượt quãng đường hàng chục km lên Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên, huyện Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình dâng hương, tảo mộ tưởng nhớ gia tiên dịp Tết Thanh minh. Bà Nhàn cho biết thêm, hằng ngày các con, các cháu đều bận công việc, học hành nhưng cứ đến dịp Tết Thanh minh cả nhà tụ tập đông đủ để lên thăm ông nhà.

Các thành viên trong gia đình bà Nhàn thắp hương tưởng nhớ người đã khuất dịp Tết Thanh minh.

Từ sáng sớm, các thanh viên trong gia đình cụ mỗi người một việc chuẩn bị đồ lễ, hương hoa… để thắp hương ở mộ phần của ông. “Đây là ngày lễ rất quan trọng để con cháu đời sau nhớ về nguồn gốc tổ tiên. Đồng thời, là dịp để mọi người gắn hết hơn, đoàn kết với nhau hơn. Không chỉ có tôi, các con mà các cháu cũng được giáo dục từ nhỏ truyền thống gia đình để biết đến nguồn cội, để các thành viên trong gia đình thêm yêu thương, đoàn kết”, bà Nhàn nói.

Các cháu được chỉ dạy các truyền thống gia đình từ nhỏ.

Dịp Tết Thanh minh năm nay, cả gia đình ông Nguyễn Văn Xuân (66 tuổi, ở quận Tây Hồ, Hà Nội) cũng về Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên dâng hương tổ tiên. Mọi người trong nhà ông Xuân chia nhau chuẩn bị đồ lễ, cắm hoa, dọn dẹp quanh mộ, chăm bón lại hàng cây xung quanh. Ai nấy đều bồi hồi xúc động. Ông Xuân cho biết:  “Tôi muốn con cháu về đây, kể cho các con nghe lại về tuổi thơ của mình. Những lời cha mẹ từng răn dạy mình để con cháu biết, nhớ về nguồn cội. Những lời tôi đã được bố mẹ chỉ dạy nay tôi lại chỉ dạy lại cho con, cho cháu để giữ nếp nhà. Chúng ta đi đâu làm gì thì cũng chỉ có một nơi đó là nhà, đó là nguồn cội để trở về”, ông Xuân bày tỏ.

Hai vợ chồng anh Nam thắp hương thành kính tưởng nhớ tổ tiên.

Nhân dịp Tết Thanh Minh, hai vợ chồng anh Phạm Quang Khải (Hoàng Mai, Hà Nội) đến Công viên nghĩa trang Lạc Hồng Viên để thắp hương cho người thân đã khuất. Anh Khải cho biết: “Người thân của gia đình an nghỉ ở đây hàng ngày được nhân viên chăm sóc các phần mộ chu đáo, sạch sẽ. Những chậu hoa, cây cảnh ở trong khuôn viên mộ phần luôn xanh tươi, nở hoa tươi tốt. Thỉnh thoảng, tôi gọi điện qua các ứng dụng zalo để được ngắm các mộ phần của gia đình từ xa nên thêm phầm an tâm. Tuy nhiên, cứ đến dịp Tết Thanh minh, các thành viên trong gia đình đến các phần mộ để thăm viếng, thắp hương tưởng nhớ những người đã mất. Đây là truyền thống gia đình và tôi luôn muốn gìn giữ nét đẹp truyền thống đó để tiếp tục dạy lại cho con cháu mình”.

Anh Nam cẩn thận sắp xếp đồ lễ.

Thanh minh là tiết thứ 5 trong 24 tiết khí hàng năm và được người phương Đông coi là một lễ tiết. Năm nay, thanh minh bắt đầu từ mùng 4/4 dương lịch và kéo dài trong khoảng nửa tháng. Tết Thanh minh có ý nghĩa quan trọng về văn hóa và tinh thần của người Việt, ẩn chứa đạo lý uống nước nhớ nguồn của người Việt.

Đại đức Thích Trí Thịnh cho biết, Tết Thanh minh được xem là ngày giỗ chung cho tổ tiên của các gia đình.

Đại đức Thích Trí Thịnh, Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng cho biết, ngày Tết Thanh minh được xem là ngày giỗ chung cho tổ tiên của các gia đình. Tết Thanh minh không phải Tết chính nhưng bao hàm nhiều ý nghĩa về cuội nguồn, gợi nhớ tổ tiên, ông bà, cha mẹ, những người đã khuất. Nhân ngày này, con cháu có dịp tụ hội, quây quần cùng nhau tới các phần mộ của các thân nhân để tảo mộ. “Tết Thanh minh không chỉ diễn ra trong 1 ngày mà diễn ra trong vòng 15 ngày bắt đầu từ khoảng cuối tháng 2, đầu tháng 3 âm lịch. Đây là dịp mà các thế hệ đều mong muốn được quây quần bên nhau. Quan trọng nhất, qua đó, các thế hệ trẻ biết công ơn của tổ tiên ông bà, cha mẹ”, đại đức Thích Trí Thịnh chia sẻ.

Theo baodansinh.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *